Lịch sử Ada_Ciganlija

Tàn tích của bộ tộc Scordisci người Celt của địa danh cổ Singidunum và Taurunum đã được tìm thấy ở Ada Ciganlija.[72][73] Các di vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Beograd và Bảo tàng Quốc gia Beograd là chứng tích các giai đoạn lịch sử nơi đây.

Nguồn gốc tên gọi

Một số học giả cho thấy cái tên Ada Ciganlija được cấu thành từ các âm trong tiếng Celtic singa (đảo) và lia (đất dưới nước) tạo nên từ sinhala, sau phiên âm thành ciganlija.[6][42] Ada được Karađorđe Petrović và Hoàng thân Miloš Obrenović coi là di sản tự nhiên quý giá nên được nâng vị thế một thành bang vào năm 1821. Một số ý kiến thì lại cho rằng ciganlija lại bắt nguồn từ cách gọi người Digan trong tiếng Serbia là Cigana, người Digan là cư dân trên đảo cho đến khi Áo chiếm Beograd.[74][75][76] Hòn đảo lúc bấy giờ có tên tiếng Latinh là Isola degli Zingari, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1688.[77]

Tên tiếng Đức của Ada Ciganlija là Zigeuner-Insel,[78] được sử dụng lần đầu tiên trên bản đồ và trong sách vở vào năm 1714.[79] Tên gốc ban đầu có thể là singalia từ chữ Singidunum.[80] Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hòn đảo được gọi là Serbia Ada.[81][82]

Cũng có thể người Đức và người Ý đều đã nhầm tên đảo Ada Ciganlija bởi Zigeuner Insel hay Isola degli Zingari đều mang nghĩa "đảo của người Digan".[83][84]

1688—1914

Bản đồ Beograd thế kỷ 19. Ada Ciganlija được đánh dấu với cái tên Đức Zigeunerinsel.

Một trong những sử liệu chiến tranh lâu đời nhất chép về Ada Ciganlija là từ năm 1688, khi Hoàng thân Eugène xứ Savoie bị thương nặng trên đảo trong cuộc chiến Áo-Thổ. Năm 1788, quân Áo đóng trại chính trên đảo kết hợp với các đơn vị Serbia chống lại quân Ottoman.[42]

Khu vực Ostružnica gần cực nam Ada Ciganlija có Cầu Dài nối vào đất liền, đây là cây cầu kiên cố đầu tiên trong lịch sử Beograd. Ở phía Srem đối diện bên kia sông Sava là một đầm lầy khổng lồ vào thời điểm đó (Beograd Mới ngày nay) cũng có một cây cầu dọc theo đầm lầy chứ đầu cầu không đặt ngay bờ sông, nên dân địa phương gọi là Cầu vượt đầm lầy.[85] Cầu Dài được quân Áo xây dựng trong cuộc bao vây năm 1688 để chiếm Beograd từ Ottoman. Theo ghi chép còn lại, chỉ trong vòng một tháng, bậc thầy Djordjevic của Beograd đã huy động 400 nhân công hoàn thành Cầu Dài dùng 2.000 cây gỗ, 1.100 cột, 15.500 dầm cọc và 12.000 cọc rào. Ngay bên cạnh, quân Áo cũng dựng một cầu phao khác dọc theo Cầu Dài.[86]

Khu định cư Digan tồn tại trên Ada Ciganlija trong thế kỷ 17–18 đã được chuyển hữu ngạn Sava ở cửa Topčiderka, trước khi Áo chiếm đóng Beograd 1717–1739 hoặc trong chiến cuộc 1716–1718. Một bản đồ thời thuộc Áo cho thấy khu định cư Digan với 24 nóc nhà ở cửa Topčiderka hiện diện trong giai đoạn 1788–1791.[82][87]

Thế kỷ 18, khi quân Áo đánh Beograd, chính quyền Ottoman trục xuất người Serb khỏi thành phố, cho định cư tạm thời trên đảo Ada Ciganlija. Ngày 7 tháng 4 năm 1809, sau khi Beograd được giải phóng trong Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Serb, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Karađorđe Petrović đã tặng lại hòn đảo thị trưởng Beograd đầu tiên Mladen Milovanović.[42][88] Năm 1809, nhà ngoại giao Konstantin Rodofinikin, người đứng đầu phái bộ Nga tại Serbia (1808-1813), thành viên Hội đồng Nhà nước của Đế quốc Nga, đã tổ chức một lễ hội quốc gia cho quân nổi dậy trên Ada Ciganlija.[89]

Sau khi Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Serb thất bại, Mladen Milovanović chạy khỏi Serbia, quân Thổ quay lại Beograd và xóa bỏ tất cả những luật lệ và phân chia hành chính do quân khởi nghĩa đặt ra.[43]

Năm 1908, Ada Ciganlija là tâm điểm chú ý khi diễn ra hội nghị của Hiệp hội Nhà báo Serbia do Branislav Nušić đứng ra tổ chức. Hoạt động báo chí được tổ chức trên đảo để gây quỹ hưu trí cho các nhà báo già và bệnh tật. Khi đó, đường dạo bộ, rạp, quán cà phê được dựng trên đảo và được sự cho phép của Cơ quan Báo chí Quốc hội, đã lập bưu điện với máy điện báo và điện thoại, cùng với Ủy ban Cảnh sát Quốc hội. Trong rạp chứa chứa các gian hàng bán báo, thuốc lá, đồ chơi trẻ em và bánh kẹo, bơ sữa. Sự kiện lạc quyên báo chí diễn ra từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 1908.[89] Khách khứa được đưa từ Gospodarske Mehane (Khu khách Kinh tế) đến đảo bằng thuyền và hai tàu thủy Arad và Morava trong nền quân nhạc rộn rã.[90] Trong thời gian đó đồng thời diễn ra các cuộc thi bơi lội, chèo thuyền và câu cá, hiệp hội cũng xuất bản tờ Vodeni cvet (Hoa nước) theo tên gọi mà Branislav Nušić đặt cho đảo vì vẻ đẹp nó mang lại.[42][91] Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 6 năm 1908, Hiệp hội Nhà báo Serbia tổ chức tiếp một sự kiện văn hóa và giải trí Trojički sabor. Hội nghị này về sau diễn ra nhiều lần trên Ada Ciganlija cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất.[92]

Năm 1911, bộ phim điện ảnh đầu tiên của Serbia Cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ bất tử Karađorđa được quay trên đảo. Phim do Ilija Stanojević đạo diễn và Cira Manok viết kịch bản.[93]

Chiến tranh thế giới thứ nhất và hậu chiến

Quân đội Serbia trên Ada Ciganlija trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Khi Áo-Hung tuyên chiến với Vương quốc Serbia mở màn Chiến tranh thế giới thứ nhất, các lực lượng Serbia được bố trí khắp đảo Ada Ciganlija để ngăn quân Áo chiếm và sử dụng nó làm bàn đạp tấn công Serbia. Sau đó, nơi đây diễn ra hai trận chiến lớn vào ngày 22-24 tháng 9 năm 1914 và vào tháng 9 năm 1915. Chớp lấy thời cơ quân Serbia rút khỏi Srem vào tháng 9 năm 1914, tướng Áo-Hung là Kasimir von Lutgendorf quyết định vượt sông Sava tấn công (Ciganlija và Medjica), rồi đổ bộ trên bờ bên kia, mở chiến dịch đánh chiếm Banovo Brdo và Topčiderka và từ phía tây đánh thẳng vào trung tâm Beograd. Cuộc tấn công phát động vào ngày 22 tháng 9 năm 1914 khi một toán quân Áo-Hung cố gắng đổ bộ vào điểm cực nam Ada Ciganlija, vị trí này được một boongke trong rừng Makiš bảo vệ.[94] Trong khi đó, quân Áo trang bị hỏa lực mạnh tiến vào từ phía bắc, nơi thậm chí không có quân Serbia phòng thủ vì không tin quân Áo có thể vượt qua được đầm lầy tại đó.[95] Do đó, quân Áo xâm nhập đảo thành công mà không gặp nhiều kháng cự. Thiếu tá Dobrivoje Mojsilović chỉ huy phòng thủ Ada đã cố gắng đẩy lui quân Áo về bên kia sông. Một đơn vị Serbia đến tiếp viện và Thiếu tá Svetomir Đukić thay Thiếu tá Mojsilović đã bị thương. Sau nhiều trận giao tranh, hai bên xáp lá cà và quân Áo bị dồn về cực bắc Ada Ciganlija. Tuy nhiên, quân Áo-Hung đã làm chủ được Ada Medjica, đánh và sau lưng và kết hợp bao vây quân Serbia lại.[96] Quân Serbia cố gắng thoát vây nhưng tiếp tục bị các đơn vị quân Áo mới đến tấn công tiếp. Quân Serbia lùi đến phần cực đông hòn đảo và lập chiến hào ở đó. Quân Áo đánh vào chiến hào nhưng cuối cùng đã lui quân.[97]

Khi quân Áo gặp khó khăn đánh miền tây Serbia và trong cuộc tấn công vào Šabac, tướng bộ binh Áo-Hung Alfred Kraus đã yêu cầu Chỉ huy trưởng mặt trận Balkan, Oskar Potiorek, chi viện hai trung đoàn của Kasimir von Lutgendorf. Potiorek không những chấp thuận, mà còn lệnh cho Lutgendorf chuyển hướng tất cả các lực lượng đến Šabac. Ngày 24 tháng 9 năm 1914, quân đội Áo-Hung rút khỏi Ada trong sự theo dõi cẩn trọng của quân Serbia đảm bảo đó không phải một âm mưu khác.[98][82] Quân Serbia mất một sĩ quan và 17 binh sĩ, trong khi quân Áo-Hung mất 4 sĩ quan và 310 binh sĩ.[99][100]

Có một số trận đánh nhỏ trên đảo sau nhưng chủ yếu vẫn là không khí bình yên, cho đến khi quân Đức can thiệp và tiến hành chiến sự không ngừng buộc quân Serbia phải rút khỏi đảo vào cuối tháng 9 năm 1915. Khi đó, Serbia bị thiệt hại nặng nề, đa số đều tử trận, Ada Ciganlija sau đó được gọi là "Đảo tử thần".[87]

Năm 1920, một nhà tù giam trọng phạm dưới quyền quản lý của Tòa án quận được xây dựng trên Ada Ciganlija. Trại giam nằm ở đầu hòn đảo, gần tòa nhà ngày nay của Cơ quan hành chính Ada Ciganlija và nhà hàng Jezero. Trải qua thời gian, nhà tù dần chuyển sang giam giữ chủ yếu tù nhân chính trị, chủ yếu là người Cộng sản và thành viên của các tổ chức bất hợp pháp khác. Khi bắt đầu chế độ độc tài vào ngày 6 tháng 1 năm 1929 và thành lập Tòa án Bảo vệ Nhà nước, nhà tù ở Ada Ciganlija chuyển chức năng thành trại tạm giam trước khi xét xử. Những người bị tạm giam thường là Đảng viên Đảng Cộng sản Nam Tư thời đó thuộc diện bất hợp pháp, gián điệp nước ngoài hoặc một số tổ chức và hiệp hội bất hợp pháp khác. Trại tạm giam được giữ chức năng hoạt động này cho đến năm 1941.[101][102]

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Ada Ciganlija không phải là khu vực được đầu tư tái thiết vì Beograd tập trung về phía bắc từ Gospodarska Mehana và Senjak. Chủ yếu Ada Ciganlija là nơi cư dân Beograd đến tham quan bơi lội. Năm 1930, chính quyền thành phố Beograd ra quy định về việc tắm sông vào đêm hè, bãi tắm cũng được phân thành các khu dành cho nam và nữ riêng biệt. Năm 1936, chính quyền thành phố thông qua quy hoạch đô thị mới dự kiến biến Ada thành một hòn đảo phục vụ thể thao giải trí.[103]

Năm 1938, Aleksandar Radivojević đi vào huyền thoại của các môn thể thao có động cơ khi gắn động cơ vào thuyền thể thao của mình trên và chạy trên sông Sava.[91]

Năm 1938, Bộ Giao thông phê duyệt khoản vay cho việc phân vùng thượng nguồn nhánh Ada và Čukarica để tạo nên khu nghỉ đông; sau đó, Međica đã lên kế hoạch hợp nhất với Ada.[104] Tháng 6 năm đó dựng được cáp điện được bắc qua hai cột cao 40 mét cách cửa Topčiderka khoảng 200 mét.[105]

Chiến tranh thế giới thứ hai và hậu chiến

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Ada Ciganlija chỉ là một cơ sở chuyển quân cho mặt trận Srem

Anh hùng dân tộc Nam Tư Pavle Jaksic, thượng tướng Quân đội nhân dân Nam Tư JNA từng tham gia Cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân Nam Tư và là đồng sáng lập Viện Vật lý viết trong hồi ký rằng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ada Ciganlija là bãi tắm yêu thích của lãnh đạo cao cấp.[106]

Sau Thế chiến II, nhà tù được sử dụng cho nhu cầu của Cục Bảo vệ Nhân dân (OZNA) cho Serbia và một lần nữa được sử dụng cho các tù nhân chính trị. Theo một số tuyên bố, Draža Mihailović, lãnh đạo của phong trào Ravnogorski và Quân đội Nam Tư Quốc nội JVuO, đã bị bắn chết vào ngày 17 tháng 7 năm 1946, mặc dù tuyên bố này vẫn chưa được xác nhận chính thức. Các tù nhân chính trị khác sau đó đã bị giam cầm tại đây.[82][107]

Nhà tù bị đóng cửa năm 1954 và dỡ bỏ năm 1956 để chuẩn bị lấy đất làm khu dã ngoại và bể bơi vào năm 1957.[108] Trong thời gian hoạt động, nhà tù được gọi là Tiểu Alcatraz của Serbia với các tù nhân như Milovan Djilas, Moshe Pijade, Borislav Pekic và nhiều người khác.[87]

Năm 1957, chính quyền thành phố quyết định cải tạo nâng cấp tiềm năng bị lãng quên của Ada Ciganlija. Bãi tắm được mở rộng bằng cách đốn chặt cây cối dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các chuyên gia từ Khoa Lâm nghiệp, Đại học Beograd. Công cuộc cải tạo chính thức bắt đầu vào năm 1960.[109] Đến tháng 9 năm 1961, một bờ kè dài 6 km rộng 8 m được dựng lên để ngăn sông Sava gây lụt vào mùa xuân. Khi đó, Ada Ciganlija là khu vực dã ngoại và bãi tắm lớn nhất và được ghé thăm nhiều nhất ở Beograd. Kỹ sư Milan Pećinar, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Serbia đề xuất một giải pháp kép biến Ada Ciganlija thành nơi cung cấp nước sạch đồng thời là một trung tâm thể thao giải trí. Kế hoạch được thực hiện năm 1967 khi Ada Ciganlija được nối với đất liền, cũng như đào lại hồ Sava và xây sửa bể lắng. Năm 1969 lắp đặt hệ thống đường ống ngầm dẫn nước sông vào hồ mới đào. Nước được lọc trong bể lắng rồi tiếp tục dẫn tới hệ thống cấp nước chính của Beograd ở Makiš.[87]Năm 1947 khai trương bể bơi công cộng "Bể bơi phía Bắc" (Severni bazen) phía sau Câu lạc bộ chèo thuyền Sao Đỏ (Crvena zvezda). Bể bơi nhanh chóng nổi tiếng vì khi đó Beograd chỉ có một số ít nơi như vậy, nhiều vận động viên đến tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội.[110]

Trước khi nối Ada Ciganlija với đất liền, có thể đến đảo bằng thuyền hoặc cầu phao.[111] Từ năm 1957, quy hoạch Ada Ciganlija được thanh niên tham gia lao động biến thành hiện thực. Khoảng 50.000 thanh niên đã tham gia cải tạo đảo, xây dựng một bờ kè dài khoảng 1.250 mét và lấp bằng phần đầm lầy trên đảo. Năm 1957, Tổng cục Bảo trì Ada Ciganlija được thành lập. Năm 1967, bờ kè hoàn tất biến Ada Ciganlija thành một bán đảo.[91]

1970—2010

Trong thập niên 1970, Ada Ciganlija lại hoàn toàn xuống cấp, bụi rậm khắp nơi, hồ Sava ô nhiễm, cây gỗ như liễu, dương héo tàn và bị khai thác bất hợp pháp.[91]

Năm 1973, Ada Ciganlija lần đầu tiên được lên bưu thiếp, in cạnh Kalemegdan, tượng đài Pobednik và Skadarlija.[91]

Năm 1975, bãi đỗ xe trên Ada Ciganlija bắt đầu mở cửa và hoạt động theo mùa.[112]

Từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 9 tháng 7 năm 1987 tại Ada Ciganlija diễn ra hội Hướng đạo Nam Tư lần đầu tiên sau sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng là cuối cùng của Nam Tư cũ, lễ hội thứ 8 của Nam Tư này có đến hơn 12.000 người tham gia.[113][114]

Cuối tháng 8 năm 2007 khai trương sân trượt băng trên bờ Makiš.[115] Tháng 4 năm 2008 mở bãi đậu xe hai tầng cho phép "đỗ xe nhanh" với hơn 1.600 chỗ.[112] Cuối tháng 10 năm 2008 hoàn tất công viên hôn lễ đầu tiên ở Serbia khai trương trên Ada Ciganlija nằm ngay cạnh sân golf.[116] Năm 2009 mở Trim Park là công viên sinh thái trẻ em đầu tiên ở Serbia có diện tích 300 m2.[117][118]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ada_Ciganlija http://www.beogradskajezera.com/srpski/html/ada_sa... http://www.bgdnovine.com/bgd/index.php?option=com_... http://www.block-out.com/doc/cbs.htm http://stshbook.blogspot.com/2018/01/setnje-adom-s... http://www.istnews.com/ebeograd111.htm http://rs.n1info.com/Vesti/a592792/Stojcic-Most-No... http://www.nacionalnarevija.com/tekstovi/br8/Oaza%... http://www.onamagazin.com/ratko-vulanovic-autor-mo... http://www.roditeljsrbija.com/info/desavanja/1238-... http://www.sportskivodic.com/Jedrenje/Akademski-je...